CÁCH PHÒNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM DO BOTULINUM
Trong mùa dịch, nhu cầu sử dụng thực phẩm đóng hộp tăng cao do việc bị hạn chế đi lại, tiếp xúc đông người khiến người dân mua nhiều sản phẩm chế biến sẵn về dự trữ. Ngoài ra, sử dụng đồ hộp cũng có nhiều ưu điểm như tiện lợi, dễ mua, không cần chế biến thêm nên được nhiều gia đình ưa chuộng.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm đóng hộp không làm giảm giá trị dinh dưỡng so với thực phẩm còn tươi. Tuy nhiên, việc lựa chọn sử dụng đồ hộp và cách bảo quản thực phẩm mới là yếu tố cần quan tâm để phòng tránh ngộ độc, đặc biệt là ngộ độc Botulinum.
Độc Botulinum xuất phát từ đâu?
Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium Botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Độc lực của Botulinum mạnh hơn độc tố của tất cả các loại vi khuẩn khác, có thể sinh sống trong men tiêu hóa và môi trường axit nhẹ của dạ dày.
Khi bị nhiễm độc Botulinum, người nhiễm độc sẽ có những biểu hiện như nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, da khô, đau bụng, táo bón, giãn đồng tử, nặng hơn là mất phản xạ ánh sáng hay liệt cơ tim. Các phản ứng sẽ xuất hiện sau khi sử dụng thực phẩm nhiễm độc từ 8 - 10 giờ, thậm chí nhanh hơn là 4 giờ.
Độc Botalinum sinh ra trong môi trường yếm khí nên thường xuất hiện trong những thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum và sinh độc tố Botulinum. Với xu hướng sử dụng đồ hộp nhiều hiện nay, người tiêu dùng dễ có nguy cơ nhiễm độc Botalinum nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách.
Bên cạnh đó, trào lưu sử dụng túi hút chân không đựng thực phẩm với những ưu điểm như tiện lợi, cách sử dụng đơn giản, giá thành rẻ khiến nhiều người lạm dụng cách bảo quản thực phẩm này. Ngoài ra, các cách bảo quản khác như sử dụng tủ lạnh không đúng cách, đun lại thực phẩm không đủ chín trước khi ăn... cũng gia tăng nguy cơ ngộ độc Botalinum.
Làm gì để phòng tránh ngộ độc Botalinum?
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thường xuyên khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín. Theo đó, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Khi quan sát thấy hộp phồng, méo thì khả năng cao đó là sản phẩm bị lỗi, có thể xuất hiện vi khuẩn kỵ khí, sinh ra độc tố Botalinum. Khi mua về sử dụng cũng cần bảo quản đúng cách. Nếu trong quá trình bảo quản ở nhà mà đồ hộp bị phồng thì cũng không nên sử dụng. Đặc biệt, không nên dùng lại đồ hộp đang dùng dở và nên ăn hết ngay sau khi đã mở nắp. Những hộp đã mở nhưng chưa sử dụng hết cũng không nên dùng lại vì khi đó vi khuẩn dễ tấn công gây hư hỏng làm biến chất thực phẩm không tốt cho sức khỏe.
Đối với những người có bệnh lý nền như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch phải đọc kỹ thông tin về hàm lượng muối trên một đơn vị sản phẩm để ước lượng lượng muối nạp vào, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.
Theo Cục An toàn thực phẩm, người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguồn: Sưu tầm